Bệnh điếc nghề nghiệp

Điếc nghề nghiệp là một trong những căn bệnh phổ biến mà nhiều gặp phải hiện nay. Khi thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn và kéo dài liên tục sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm thính lực tạm thời hoặc nghiêm trọng hơn là mất thính lực, điếc tai vĩnh viễn. Vậy bệnh điếc nghề nghiệp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết qua từng giai đoạn và cách phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Maytrothinhnhatban.com tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Bệnh điếc nghề nghiệp
Bệnh điếc nghề nghiệp là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa hiệu quả

1. Bệnh điếc nghề nghiệp là gì?

Bệnh điếc nghề nghiệp hay suy giảm thính lực do tiếng ồn là một dạng mất thính giác thần kinh giác quan (suy giảm độ nhạy thính giác) xảy ra do tiếp xúc lâu với mức độ ồn cao tại nơi làm việc. Chẳng hạn như tiếng ồn của các công trình xây dựng, nhà máy và máy móc trong một không gian hạn chế, hoặc tiếng ồn lớn đột ngột như tiếng nổ. Một người tiếp xúc liên tục với tiếng ồn ở mức độ cao trên 85dB trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh điếc nghề nghiệp.

Điếc nghề nghiệp tuy không gây hại trực tiếp đến tính mạng, nhưng người bị khiếm thính do tiếng ồn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Do vậy, biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh điếc nghề nghiệp kịp thời, đúng cách sẽ giúp hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh gây ra.

Bệnh điếc nghề nghiệp
Điếc nghề nghiệp là một dạng mất thính giác thần kinh giác quan do tiếp xúc liên tục với tiếng ồn lớn

Bệnh điếc nghề nghiệp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Trong đó, phổ biến nhất là ở những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn như công nhân các nhà máy, công nhân xây dựng, nhân viên các địa điểm giải trí,…

Tiếng ồn có gây hại cho thính giác hay không sẽ phụ thuộc vào độ lớn, cường độ và thời gian tiếp xúc với tiếng ồn. Độ lớn của âm thanh (được đo bằng decibel – dB) và thời lượng tiếp xúc có liên quan với nhau. Âm thanh càng lớn, thời gian tiếp xúc có thể ngắn hơn trước khi thiệt hại xảy ra.

Ví dụ: 8 giờ tiếp xúc với tiếng ồn 85dB hàng ngày có thể bắt đầu gây hại cho tai theo thời gian. Sử dụng công cụ điện (khoảng 100 dB), nghe tai nghe âm thanh lớn (khoảng 110 dB) có thể làm hỏng thính giác chỉ sau một vài lần tiếp xúc. Tham dự một buổi hòa nhạc rock (khoảng l20 dB) hoặc nghe thấy tiếng súng (ở mức 140 đến 170 dB) có thể gây tổn thương thính giác ngay lập tức.

Người mắc bệnh điếc nghề nghiệp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, tuỳ vào từng giai đoạn sẽ có các biện pháp cải thiện tình trạng bệnh tốt nhất.

2. Nguyên nhân của bệnh điếc nghề nghiệp

Bệnh điếc nghề nghiệp
Công nhân xây dựng là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh điếc nghề nghiệp

Nguyên nhân bệnh điếc nghề nghiệp chủ yếu thường là do tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn tại nơi làm việc. Tiếng ồn khi đi qua tai ngoài, ống tai và trống tai và đi vào tai giữa và tai trong. Tiếng ồn lớn liên tục làm hỏng các tế bào thính giác của tai trong. Một khi bị phá hủy, các tế bào thính giác này sẽ không thể phục hồi lại. Kết quả là suy giảm thính lực tạm thời hoặc suy giảm thính lực vĩnh viễn, dẫn đến mất thính lực.

Các công việc có nguy cao gây mất thính giác nghề nghiệp với người lao động như:

  • Công việc liên quan đến quân sự
  • Công nhân dây chuyền lắp ráp, sản xuất và nhà máy
  • Công nhân khu công nghiệp, khai thác mỏ,…
  • Công nhân các công trình xây dựng
  • Nông dân
  • Nhân viên các địa điểm giải trí (ngành âm nhạc, buổi hoà nhạc, DJ,…)
  • Nhạc sĩ
  • Nhân viên nha khoa
  • Công việc bảo trì hàng không

Trong một số trường hợp, điếc nghề nghiệp xảy ra là do chấn thương âm thanh xảy ra do tiếng ồn bùng phát đột ngột làm tổn thương các tế bào tai, dẫn đến khiếm thính.

Những yếu tố rủi ro khác có thể kể đến như:

  • Người thường xuyên hút thuốc
  • Yếu tố tuổi tác
  • Huyết áp cao
  • Căng thẳng, mất ngủ
  • Mắc bệnh đái tháo đường
  • Tăng lipid máu (tình trạng nồng độ chất béo (lipid) trong máu cao bất thường)
  • Sử dụng một số loại thuốc gây độc hại cho tai
  • Tiếp xúc với các hoá chất độc hại cho tai
  • Yếu tố gen di truyền.

3. Dấu hiệu nhận biết điếc nghề nghiệp theo từng giai đoạn

Bệnh điếc nghề nghiệp
Người bị điếc nghề nghiệp sẽ luôn cảm thấy ù tai, khó nghe âm thanh tần số cao, khó khăn trong giao tiếp trong môi trường ồn ào

Tuỳ vào mức độ tiếng ồn và thời gian tiếp xúc khác nhau, mà biểu hiện của suy giảm thính lực do tiếng ồn gây ra cũng sẽ khác nhau. Khi mức độ tiếng ồn tăng lên, thời gian tiếp xúc để bảo vệ thính giác cũng sẽ giảm xuống. Dưới đây, là 3 giai đoạn nhận biết dấu hiệu của bệnh điếc nghề nghiệp thường gặp phải:

  • Giai đoạn đầu: Trong suốt một ngày làm việc tiếp xúc với môi trường ồn ào, tai sẽ trở nên mệt mỏi và người lao động sẽ bị suy giảm thính lực được gọi là sự thay đổi ngưỡng tạm thời. Vài giờ sau khi tai được nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, tai thường phục hồi phần lớn sự thay đổi ngưỡng tạm thời, nhưng thông thường, tai sẽ vẫn bị ảnh hưởng một phần. Biểu hiện thường thấy trong giai đoạn này là: người bệnh có cảm giác áp lực hoặc đầy tai, lo lắng và khó chịu, mất ngủ. Các triệu chứng này có thể biến mất vài phút, vài giờ hoặc vài ngày sau khi hết tiếp xúc với tiếng ồn.
  • Giai đoạn tiềm ẩn: Sau khoảng thời gian tiếp xúc liên tục với tiếng ồn (kéo dài hàng năm), sự thay đổi ngưỡng tạm thời tăng dần, các triệu chứng của điếc nghề nghiệp cũng được thể hiện rõ hơn như người bệnh khó nghe âm thanh tần số cao như tiếng chim hót, âm thanh the thé, bị đau tai, ù tai (trong tai có tiếng “vo ve” liên tục hoặc ngắt quãng, gây khó chịu); yêu cầu người khác lặp lại những gì họ đã nói, phàn nàn mọi người đang nói lầm bầm hoặc nói không đủ lớn…
  • Giai đoạn biểu hiệu rõ ràng: Lúc này, bạn đã có thể cảm nhận rõ những thay đổi về khả năng nghe của mình như cần bật âm lượng TV hoặc đài to hơn để nghe rõ, khó tập trung; gặp khó khăn khi theo dõi cuộc trò chuyện khi có nhiều tiếng ồn xung quanh hoặc khó nói chuyện điện thoại,…

4. Chẩn đoán bị điếc nghề nghiệp

Bệnh điếc nghề nghiệp
Chẩn đoán điếc nghề nghiệp giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để có phương phương điều trị tốt nhất

Suy giảm thính lực do tiếng ồn thường là vĩnh viễn. Do vậy, nếu bạn đang làm việc trong môi trường ồn ào và nghi ngờ thính giác của mình không còn tốt như trước, thì điều quan trọng là hãy giảm tiếp xúc với tiếng ồn lớn và đi kiểm tra thính lực càng sớm càng tốt để đánh giá mức độ tổn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mất thính lực của bạn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và thậm chí gây nguy hiểm đến an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán điếc nghề nghiệp dựa trên các yếu tố như: có tiền sử tiếp xúc với tiếng ồn lớn, môi trường làm việc, thời gian tiếp xúc với tiếng ồn, khám lâm sàng,…

Ngoài ra, một số phương pháp để chẩn đoán bệnh điếc nghề nghiệp có thể được thực hiện gồm có:

– Đo thính lực: Một công cụ chẩn đoán thính giác để kiểm tra khả năng nghe bao gồm điếc nghề nghiệp.

– Xét nghiệm hình ảnh: Bao gồm chụp MRI và CT scan não và ống tai. Phương pháp được thực hiện để loại trừ, phân biệt các dạng mất thính giác khác như điếc tuổi già, điếc do chấn thương sọ não, điếc do nhiễm trùng,…

– Chuyên gia thính học có thể yêu cầu bạn nghe các âm thanh khác nhau qua tai nghe để xác định âm thanh nhẹ nhàng nhất mà bạn có thể nghe được hoặc yêu cầu bạn lặp lại danh sách các từ hoặc hoàn thành các bài kiểm tra đặc biệt khác.

5. Điều trị bệnh điếc nghề nghiệp

Bệnh điếc nghề nghiệp không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một trong những “phương pháp điều trị” tốt nhất đối với dạng mất thính lực này là tránh tiếp xúc với tiếng ồn. Điều này có thể ngăn tình trạng mất thính lực tiến triển, trở nên tồi tệ hơn.

Đồng thời, dựa vào mức độ suy giảm thính lực của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp giúp cải thiện khả năng nghe của bạn tốt hơn như sử dụng máy trợ thính (hỗ trợ thính giác bằng cách khuếch đại âm thanh do tai trong thu nhận). Đối với tình trạng mất thính lực trầm trọng, có thể tiến hành cấy ghép điện cực ốc tai. Ốc tai điện tử là một thiết bị nghe điện tử thay thế tai trong bị tổn thương bằng một tia điện cực. Các điện cực này được phẫu thuật cấy vào tai trong của bạn. Chúng cung cấp tín hiệu âm thanh cho não của bạn.

6. Cách phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp hiệu quả

Bệnh điếc nghề nghiệp
Sử dụng nút bịt tai là một trong những biện pháp phòng ngừa suy giảm thính lực do tiếng ồn an toàn, hiệu quả

Để có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn gây ra tại nơi làm việc, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh sau đây:

  • Sử dụng thiệt bị bảo vệ thính giác khi phải làm việc trong môi trường ồn ào như nút bịt tai, nút tai điện tử,…
  • Giảm thời gian tiếp xúc với tiếng ồn: Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn cho tai bằng cách nghỉ giải lao.
  • Sử dụng vật liệu tiêu âm để giảm tiếng ồn ở nơi làm việc.
  • Kiểm tra thính giác định kỳ hàng năm để biết được tình trạng thính lực và theo dõi bất kỳ thay đổi nào.

Nếu bạn đang làm việc trong môi trường tiếng ồn ào và nhận thấy mình có những dấu hiệu của bệnh điếc nghề nghiệp nêu trên, thì đừng chủ quan. Hãy bảo vệ đôi tai của mình bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa suy giảm thính lực do tiếng ồn nêu trên và đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị suy giảm thính lực do tiếng ồn gây ra càng sớm càng tốt nhé!

 

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *