Khi bạn cảm thấy đau tai, sức nghe không còn như mức bình thường trong một khoảng thời gian thì đây là những dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý về tai. Lúc này, bạn cần nhanh chóng đến trung tâm chuyên khoa để kiểm tra, đo mức độ nghe của tai. Trong đó, nghiệm pháp đo thính lực đơn âm có vai trò quan trọng để đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe. Giúp bạn kiểm tra sự nhạy của thính giác để phát hiện những thay đổi theo thời gian.
Vậy đo thính lực đơn âm là gì, cách đo và quy trình đo như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
1. Đo thính lực đơn âm là gì?
Đo thính lực đơn âm được biết đến với tên Tiếng Anh Pure Tone Audiometry (PTA) là phép đo thính lực để xác định mức âm thanh nhỏ nhất cũng sự nhạy cảm mà một người có thể nghe được. Phương pháp đo sẽ được thực hiện dọc theo các dải tần số âm thanh từ thấp đến cao. Với phép đo này, kết quả thể hiện ngưỡng nghe ở từng tai cũng như so sánh dẫn truyền đường xương và đường khí sẽ cho bác sĩ những chỉ số cơ bản liên quan đến chức năng thính giác để chẩn đoán tình trạng tai.
Hiểu đơn giản, bệnh nhân sẽ đáp ứng với âm thanh bằng cách giơ tay lên hoặc bấm một cái nút. Các âm thanh ở các mức âm lượng và âm sắc khác nhau được đưa vào tai qua các tai nghe.
Ai nên đo thính lực?
– Tầm soát cho trẻ sơ sinh
– Chẩn đoán sớm cho trẻ nghe kém từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi
– Trẻ trên 6 tuổi, người lớn và người trưởng thành
Đo thính lực có ý nghĩa gì?
– Đánh giá được tình trạng sức nghe của tai ở mức độ khác biệt so với mức bình thường là bao nhiêu? Mức độ nghe kém và nhận định sơ bộ về tổn thương của cơ quan nghe.
– Đo kiểm tra, tầm soát nghe kém hoặc các bệnh lý có liên quan đến tai như (đau tai, điếc đột ngột, viêm tai giữa,…)
– Xác định mức độ mất thính lực (mất thính lực nhẹ, mất thính lực vừa phải, mất thính lực hơi nghiêm trọng, mất thính lực nghiêm trọng và mất thính lực hoàn toàn)
– Xác định loại mất thính lực (mất thính lực dẫn truyền, mất thính lực thần kinh giác quan hay mất thính lực hỗn hợp)
– Xem xét liệu có cần phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy trợ thính chưa? Và nên lựa chọn và hiệu chỉnh máy trợ thính nào để đảm bảo hiệu quả cao.
– Đồng thời, kiểm tra hiệu quả khi sử dụng máy trợ thính
Hiện nay, có 2 cách đo thính lực, được áp dụng theo từng độ tuổi khác nhau:
a. Đo thính lực đơn âm khách quan (hay còn gọi là đo ASSR) áp dụng với trẻ nhỏ > 5 tuổi: Phép đo này sẽ được thực hiện khi bé ngủ say và môi trường đo phải đảm bảo yên tĩnh để đảm bảo kết quả đo chính xác nhất, an toàn và không gây đau đớn cho trẻ. Cụ thể, khi đo sẽ sử dụng âm thanh kiểu đơn âm kích thích vào tai của trẻ, sau đó các kỹ thuật viên sẽ gắn các đầu điện cực lên trán và sau tai của trẻ để thu nhận và ghi lại các phản hồi của thần kinh thính giác. Thời gian đo sẽ kéo dài khoảng 30-45 phút hoặc hơn.
b. Đo thính lực đơn âm chủ quan (áp dụng cho trẻ từ > 5 tuổi trở lên và người lớn) với cách đo này, người bệnh sẽ đeo chụp tai chuyên dụng và chú ý lắng nghe các âm thanh loại đơn âm do máy phát ra đưa thẳng vào tai. Nếu người được đo, nghe được tín hiệu âm thanh thì phải bấm vào máy báo cho người đo (kỹ thuật viên) được biết hay nói “có” hoặc “không” để chỉ ra sự nhận diện âm thanh của họ.. Người được đo sẽ được thực hiện kiểm tra trên 8 tần số với các mức cường độ âm thanh khác nhau. Phép đo sẽ kéo dài khoảng 10-30 phút hoặc hơn, tuỳ vào sự hợp tác của người bệnh được đo.
2. Cách đo thính lực đơn âm
Trong phương pháp đo thính lực đơn âm, có 2 quá trình gồm đo dẫn truyền đơn âm đường khí và đo dẫn truyền đơn âm đường xương. Chúng giúp bác sĩ xác định được chính xác ngưỡng nghe, mức độ nghe kém, vấn đề mắc phải của người bệnh để đưa ra các chẩn đoán và phương án điều trị thích hợp nhất với từng trường hợp khác nhau.
2.1. Đo dẫn truyền đơn âm đường khí
– Đầu tiên, đặt chụp tai chính xác: màu đỏ tai phải, màu xanh tai trái. Kiểm tra vị trí chụp tai đúng hay chưa (không được đè lên tóc hoặc bông tai và phải nằm ở trên cửa tai).
– Hướng dẫn bệnh nhân nghe và đáp ứng theo quy tắc. Tùy vào mức độ âm sắc và cường độ khác nhau thì sẽ có quy định chung. Người bệnh ra dấu để người chẩn đoán nhận định chính xác nhất.
– Dựa trên các khảo sát ban đầu, thực hiện với tai ở tình trạng tốt trước. Nếu cả 2 tai đều có vấn đề về sức khỏe thì tiến hành chụp tai bên phải trước.
– Đo thứ tự lần lượt theo các mức tần số 1000Hz, 2000Hz, 3000Hz, 4000Hz, 6000Hz, 8000Hz, 1000Hz, 500Hz, 250Hz. Mức tần số 1000Hz được thực hiện kiểm tra lại giữa quá trình test để đánh giá chính xác hơn.
– Bắt đầu test bệnh nhân nghe ở tần số 1000Hz một âm tại 40dB trên ngưỡng nghe để đánh giá trong 1-2 giây. Nếu không có đáp ứng, tăng 10dB/một lần cho đến khi nhận được đáp ứng.
– Sau khi có đáp ứng, lại giảm 10dB/một lần thử cho đến khi không còn đáp ứng. Ở trường hợp này thì việc tìm ngưỡng được bắt đầu bằng cách tăng cường độ âm thanh khi thử.
– Tăng 5dB/một lần cho đến khi có đáp ứng. Đến khi có đáp ứng, giảm 10dB và bắt đầu tăng lại từng 5dB cho đến khi nhận được đáp ứng trở lại. Giảm 10dB và tăng 5dB cho đến khi xác định được cường độ thấp nhất mà bệnh nhân đáp ứng, ít nhất 50% trên mức tổng thể.
– Ghi lại ngưỡng đơn âm tại 1000Hz và tiếp tục đo ở các tần số khác nhau. Sau đó ghi chép ngưỡng đơn âm trung bình (trung bình của 3 ngưỡng tại 3 tần số 500Hz, 1000Hz, 2000Hz). Ngưỡng nghe đơn âm và ngưỡng phân biệt lời nói chỉ được chênh nhau ± 10dB. Nếu 2 kết quả này khác nhau sử dụng trung bình 2 tần số ( trung bình 2 kết quả tốt nhất của 3 tần số trên ). Nếu kết quả vẫn khác nhau, cần phải thử lại ngưỡng phân biệt lời nói.
– Nếu mức ngưỡng nghe ở cùng 1 tần số chênh lệch nhau từ 40dB trở lên cần làm ù tai để che lấp.
– Nếu ngưỡng nghe đường khí lớn hơn 10dB, cần phải đo dẫn truyền đường xương.
2.2. Đo dẫn truyền đơn âm đường xương
– Đặt đầu rung ở ngoài da tại vị trí xương chũm, không được va chạm với vành tai. Kiểm tra không để tóc dính vào giữa đầu thử và da của vùng xương chũm.
– Quy trình đo cũng như đo đường khí. Nhưng chỉ cần đo đơn âm ở các tần số 1000Hz, 2000Hz, 3000Hz, 4000Hz, 500Hz và 250 Hz.
– Ngưỡng nghe ở dẫn truyền đường xương không có mức chênh lệch nhiều hơn ngưỡng nghe đường khí 10dB ở cùng một tần số.
– Nếu khoảng cách ngưỡng nghe đường khí và xương trên 15dB hoặc lớn hơn cần phải làm ù để loại trừ sự tham gia của tai đối diện.
3. Quy trình đo thính lực đơn âm
Bước 1: Chuẩn bị và kiểm tra thiết bị đo: Test thử trước khi đo, xác định tai nghe tốt hơn đo trước.
Bước 2: Bệnh nhân được tiến hành khám tai, lấy ráy tai (nếu có). Hoặc tháo bỏ máy trợ thính, các dụng cụ gây vướng khi lắp thiết bị đo.
Bước 3: Chọn núm tai phù hợp và hướng dẫn bệnh nhân ngồi khi đo, không giơ tay, không nói chuyện
Bước 4: Bật máy, đặt đầu do vào ống tai, đèn màu xanh báo hiệu đầu dò đặt đúng vị trí. Tiến hành thực hiện đo thính lực đơn âm theo cài đặt của máy. Đo từng bên tai một để có kết quả chính xác nhất.
Bước 5: Đánh giá kết quả dựa trên thính lực đồ và các biện pháp chuyên khoa.
Trên đây là tất cả những thông tin cơ bản về đo thính lực đơn âm, cách đo và quy trình đo thính lực bạn cần biết. Như bạn thấy, suy giảm thính lực hay mất thính lực có thể xảy ra ở mọi độ tuổi khác nhau. Vì vậy, hãy quan tâm đến vấn đề thính lực của bản thân và những người xung quanh bạn. Hy vọng, với những kiến thức chia sẻ trên sẽ giúp bạn biết cách bảo vệ đôi tai của mình tốt nhất. Nếu gặp các vấn đề về tai, hãy nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Chúc bạn luôn có sức khoẻ tốt!