Viêm tai giữa người lớn, viêm tai giữa (VTG) mạn tính được hiểu là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn, virus trong khoang tai giữa, bệnh thường khởi phát đột ngột và gây ra đau tai. Tình trạng này có thế xảy ra ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào.
Nếu người bệnh bị viêm tai giữa mà không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng rất nguy hiểm không chỉ ở tai mà còn ảnh hưởng đến não bộ. Để biết được các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây ra và các biện pháp điều trị viêm tai giữa cấp tính. Hãy tham ngay bài viết dưới đây nhé!
1. Dấu hiệu viêm tai giữa ở người lớn
Viêm tai giữa thường xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng người lớn vẫn có thể mắc phải. Tuy đây không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra cảm giác khó chịu lên người mắc. Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Viêm tai giữa cấp tính khởi phát đột ngột với những biểu hiện như đau tai, chảy mủ tai, tiêu chảy, sốt cao, cáu gắt, khó chịu, chán ăn, buồn nôn.
- Đau tai mỗi ngày một tăng, tình trạng này kéo dài dai dẳng và diễn ra theo nhịp đập của mạch. Tiếp sau đó là đau lan ra sau tai, vùng thái dương hoặc xuống răng làm cho người mắc bệnh không ngủ được.
- Người bệnh cảm nhận được bản thân giảm sức nghe đáng kể, ù tai kéo dài và xuất hiện nhiều tiếng kêu “lọc cọc” bên trong tai mà người bình thường không nghe thấy được.
- Bệnh diễn tiến một cách âm thầm và không có các biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Khi diễn tiến kéo dài mà không phát hiện cũng như điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai giữa mạn tính.
- Một biểu hiện rõ nhất là viêm tai giữa thanh dịch hay còn gọi là viêm tai màng nhĩ đóng kín. Đây là tình trạng viêm, xuất hiện dịch nhầy trong hòm tai, nếu để tình trạng bệnh kéo dài sẽ làm dày dính màng nhĩ với biến chứng nặng nhất là mất thính lực (điếc tai tạm thời hoặc vĩnh viễn)
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai giữa cấp tính
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân mắc phải bệnh viêm tai giữa cấp tính. Tuy nhiên, phần lớn là do tai bị nhiễm trùng, virus xâm nhập, thủng màng nhĩ, tắc vòi nhĩ,…
- Vệ sinh tai không đúng cách, thiếu vệ sinh dẫn đến vi khuẩn, virus xâm nhập vào tai gây nên nhiễm trùng tại tai giữa gây ra bệnh.
- Người bệnh thực hiện các giải phẫu dẫn đến việc ứ dịch ở tai giữa làm xung huyết và gây nhiễm trùng.
- Đột ngột gặp phải chấn thương với áp lực lớn gây thủng màng nhĩ.
- Viêm ở vòm mũi họng, thoái hóa đuôi cuốn mũi dưới dẫn đến tắc vòi nhĩ hay xì mũi không đúng cách cũng gây ra viêm tai giữa.
- Bệnh viêm tai giữa cấp tính còn liên quan đến các bệnh như sởi, ho gà, cúm, bệnh đường hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm Amidan, viêm VA,…
- Tồn tại các bệnh lý trào ngược, sống trong môi trường không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng gây ra viêm tai giữa.
3. Tác hại của viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp tính nếu không được điều trị đúng phương pháp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
– Gần nhất là viêm tai giữa mạn tính, biến chứng kéo dài của viêm tai giữa cấp tính khi không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
– Biến chứng nội sọ: viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên
– Viêm xương chũm cấp.
– Viêm mê nhĩ.
– Xơ màng nhĩ, xẹp nhĩ.
4. Điều trị viêm tai giữa ở người lớn
Bệnh viêm tai giữa người lớn thường có những biến chứng hết sức phức tạp, vậy nên nếu bạn đang gặp phải một trong những dấu hiệu bệnh nêu trên. Hãy đến đến ngay các cơ sở y tế, để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Tuỳ theo từng giai đoạn phát bệnh, sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
4.1. Giai đoạn khởi phát
Người bệnh lúc này chủ yếu dùng thuốc nhỏ tai và điều trị mũi, họng. Mục đích chính là chống ngạt, tắc mũi, làm hết chảy nước mũi, chống viêm nhiễm, phòng ngừa tái phát viêm mũi xoang. Dùng một số thuốc nhỏ tai có tác dụng giảm sung huyết tại chỗ. Từ đó giảm nguy cơ người bệnh tiến triển viêm tai giữa cấp tính.
4.2. Giai đoạn toàn phát
Trường hợp màng nhĩ chưa thủng: Tiến hành chích rạch màng nhĩ khi người mắc bệnh có các triệu chứng sau:
– Triệu chứng toàn thân xấu: nhiệt độ cơ thể tăng cao, mất ngủ thường xuyên, bộ mặt bị nhiễm trùng.
– Cảm giác đau tai, nhức nửa bên đầu và khả năng nghe kém.
– Triệu chứng người bệnh có mủ trong hòm nhĩ: màng nhĩ căng phồng.
– Viêm tai giữa cấp tính đã kéo dài trên bốn ngày và không tự vỡ.
Trường hợp màng nhĩ đã thủng: Sau khi màng nhĩ đã thủng tự nhiên hoặc thủng do chích rạch cần làm sạch và giữ vệ sinh tai hàng ngày bằng thuốc tai. Các loại thuốc có chứa kháng sinh, kháng viêm như Hydrocortison và Chloramphenicol.
– Nếu thấy lỗ thủng đóng lại nhưng bệnh nhân sốt và đau tai thì phải chích rạch lại.
– Nếu sau bốn tuần mà mủ vẫn tiếp tục chảy thì tình trạng bệnh đã xuất hiện biến chứng và cần đến sự đánh giá chính xác của Bác sĩ chuyên khoa.
– Điều trị toàn thân bằng kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Beta lactam, Cephalosporin, Macrolid,…
4.3 Lưu ý khi điều trị
– Nên dùng thuốc chuyên khoa theo chỉ định của Bác sĩ.
– Không lạm dụng kháng sinh khi chưa được bác sĩ đồng ý, điều này sẽ gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
– Việc dùng thuốc cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh cũng như các bệnh lý liên quan như viêm họng cúm, viêm xoang, viêm mũi.
– Cần tiến hành phẫu thuật trong trường hợp không đáp ứng được các phương pháp điều trị thông thường hoặc tái phát nhiều lần.
– Cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng sử dụng xung quanh, giữ ấm khi tiếp xúc với môi trường lạnh để phòng bệnh.
5. Cách phòng tránh bệnh viêm tai giữa
Để phòng tránh các bệnh liên quan đến tai hay bệnh viêm tai giữa thì chúng ta nên có lối sống sinh hoạt lành mạnh, sạch sẽ, điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan đến họng và mũi, hạn chế tiếp xúc với môi trường có tiếng ồn lớn.
a. Tuyệt đối không xì mũi bằng cách bịt cả hai lỗ mũi cùng một lúc. Phải bịt một bên và để hở bên kia cho bụi bẩn trong mũi và dịch thoát ra ngoài.
b. Không nên bơi lội khi bị mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang.
c. Thực hiện các biện pháp phòng hộ khi làm việc, hoạt động trong các môi trường thường xuyên thay đổi áp lực đột ngột như: ngậm kẹo, tự thổi hơi, thông vòi nhĩ.
d. Nên điều trị viêm mũi, viêm xoang dứt điểm trong thời gian càng sớm càng tốt.
e. Nên nạo V.A và cắt Amidan ở những người hay bị viêm tai tái phát.
f. Thường xuyên thăm, khám, kiểm tra tình hình sức khỏe của tai.
g. Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe chung cho toàn cơ thể và quá trình lưu thông khí diễn ra tốt hơn.
h. Hạn chế sống ở những nơi có tiếng ồn lớn như gần đường tàu, khu xây dựng kéo dài,…
i. Tránh khói thuốc lá và sử dụng thuốc lá.
k. Tiêm phòng cúm theo mùa và vắc xin phế cầu khuẩn để hạn chế các bệnh liên quan.
Nhìn chung, các biểu hiện của bệnh viêm tai giữa người lớn thường không diễn ra liên tục, cũng không dẫn đến tử vong nên mọi người thường khá chủ quan. Chỉ khi nào tình trạng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống thì người bệnh mới bắt đầu tìm kiếm cách điều trị. Vậy nên, bạn cần quan tâm đến các dấu hiệu bệnh viêm tai giữa bất thường để kịp thời chẩn đoán nguyên nhân, cũng như có các biện pháp điều trị tốt nhất.